KQKD VN30 quý II/2017: Tổng doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sụt giảm
NDH - 17/08/2017 8:39:28 SA       

Theo thống kê của NDH, quý II/2017, tổng doanh thu thuần của nhóm VN30 đạt 162.425 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tạo ra của cả nhóm lại sụt giảm 4% chỉ đạt 20.618 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhóm đạt tổng doanh thu 309.540 tỷ đồng và lãi ròng 42.479 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 22% và 9% so với nửa đầu năm 2016.

Trong đó, quý II ghi nhận 1 đơn vị đảo ngược tình thế từ lỗ sang lãi, 15 doanh nghiệp có lãi ròng tăng trưởng, 13 doanh nghiệp báo lãi giảm và chỉ 1 doanh nghiệp báo lỗ ròng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VN30 có 20 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng, 9 doanh nghiệp lãi giảm và 1 doanh nghiệp thua lỗ.

Đơn vị duy nhất báo lỗ trong nhóm VN30 là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ dầu khí (HOSE: PVD). 6 tháng đầu năm 2017 có thể nói là khoảng thời gian khủng hoảng nhất của PVD từ trước đến nay khi giá dầu xuống thấp khiến nhiều giàn khoan chịu cảnh phơi sương và giá dịch vụ thuê giàn giảm mạnh, đặc biệt là quý I Công ty lỗ đến 214 tỷ đồng. Quý II, mặc dù hiệu suất sử dụng dàn tự nâng đạt gần 70%, tăng 33% so với quý trước đó nhưng khối lượng công việc và đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan trong quý đều giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước, giàn PV Drilling V không hoạt động nên Công ty tiếp tục thua lỗ thêm 45 tỷ, kéo lũy kế lỗ 273 tỷ đồng.

Không đến mức thua lỗ nhưng CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) có một quý II bi đát khi lợi nhuận ròng giảm đến 77% xuống 255 tỷ đồng. Nguyên nhân được Masan lý giải là chiến lược tối ưu hóa hàng tồn kho tại hệ thống phân phối để đảm bảo tăng trưởng bền vững của ngành hàng thực phẩm – đồ uống đã khiến chi phí bán hàng tăng cao, sản lượng toàn ngành thức ăn cho heo giảm do lượng cung vượt quá mức và chi phí tài chính tăng. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, dù doanh thu thuần của MSN đạt 18.019 tỷ, giảm có 6% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt 518 tỷ đồng, giảm đến 65%.

Một đơn vị khác, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) mặc dù quý II ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 14% đạt 1.781 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng giảm 50% còn 190 tỷ đồng. Yếu tố khiến lợi nhuận NT2 sụt giảm mạnh là do chi phí tài chính quý II/2017 ghi nhận đến 193,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 16 tỷ đồng. Đơn vị cho biết khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trong quý II/2017 lỗ 128,5 tỷ trong khi phần lãi đánh giá lại chỉ có 49,4 tỷ đồng. Xét lũy kế 6 tháng đầu năm, NT2 đạt mức doanh thu 3.550 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và lãi ròng 456 tỷ đồng, giảm 34%.

Ngược lại, CTCP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) và CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) là hai đơn vị hân hoan báo lãi quý II/2017 tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm VN30 với tỷ lệ lần lượt 175% và 119%.

Cụ thể, với việc hoàn tất thâu tóm và hợp nhất kết quả kinh doanh từ CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) cùng Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP đã khiến doanh thu thuần của KDC tăng trưởng 179% đạt mức 1.647 tỷ đồng. Đồng thời, trong quý còn phát sinh nghiệp vụ ghi nhận doanh thu tài chính 492 tỷ khi đánh giá lại khoản đầu tư tương ứng với 24% cổ phần sở hữu của KDC tại VOC khi thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Hai yếu tố trên đã giúp lãi ròng của KDC đạt 369 tỷ đồng, tăng trưởng 175%. Điều này đã đóng góp phần lớn giúp lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm của Công ty đạt 399 tỷ đồng, tăng trưởng 185% so với cùng kỳ năm trước.

Với REE, doanh thu thuần quý II cũng tăng khá mạnh 33% khi đạt 1.156 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng mạnh hơn 42% đã khiến lợi nhuận gộp chỉ còn tăng 12%. Thế nhưng lợi nhuận sau thuế của REE lại đạt 352 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi quý II/2016. Nguyên nhân là mảng điện – nhiên liệu ghi nhận lợi nhuận 180,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 23,9 tỷ đồng nhờ ảnh hưởng chủ yếu đến từ công ty liên kết gồm CTCP Nhiệt điện Phả Lại, CTCP Thủy điện Thác Mơ và CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ. Qua đó phần lợi nhuận từ liên kết liên doanh đạt đến 236 tỷ đồng cải thiện mạnh so với mức lỗ 27 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Xét theo quý CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) không phải là đơn vị tăng trưởng lợi nhuận cao nhất nhưng xét 6 tháng đầu năm thì đứng nhất nhóm VN30 với tỷ lệ tăng trưởng rất vượt trội. Cụ thể, riêng quý I/2017, CII đạt lợi nhuận ròng 1.222.3 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với mức lãi 46,5 tỷ đồng tạo ra cùng kỳ năm trước, do vậy cộng thêm khoản lãi ròng 375 tỷ tạo ra trong quý II thì lũy kế 6 tháng ghi nhận 1.597 tỷ đồng, gấp 7 lần.

Nhân tố giúp lợi nhuận Công ty tăng đột biến cũng như thường lệ chính là nguồn thu từ hoạt động tài chính 1.890 tỷ đồng, trong đó riêng lãi từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con là 1.608 tỷ và cổ tức, lợi nhuận được chia là 149 tỷ đồng.

Ngoài ra, quý II/2017 còn chứng kiến sự bứt phá mạnh của các ngân hàng khi trong 5 ngân hàng lớn thuộc nhóm VN30 đã có 4 đơn vị tăng trưởng lãi ròng gồm CTG, VCB, MBB và STB. Trong đó, STB ấn tượng nhất khi chuyển từ lỗ 159 tỷ quý II/2016 thành lãi 211 tỷ đồng nhờ thu nhập thuần từ lãi tăng gấp đôi đạt 1.079 tỷ đồng và các nguồn thu khác đều tăng trưởng.

Xét lũy kế 6 tháng đầu năm thì cả 5 ngân hàng đều báo lãi tăng trưởng và BID là đơn vị lãi tăng thấp nhất với chỉ 4%.

Tin mới hơn
Tin cũ hơn